giỏ hàng
Giỏ hàng

Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An

Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ XV-XVI, thịnh đạt trong thế kỷ XVII - XVIII, nhưng trước đó rất lâu (từ thế kỷ II SCN trở về trước), vùng đất Hội An đã nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa tiền Sa Huỳnh - đến Sa Huỳnh và còn là một cảng thị trọng yếu của Champa (từ thế kỷ II đến thế kỷ XV). Tuy địa danh "Hội An" được cho rằng xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVI, nhưng vùng đất xung quanh đô thị này đã có một lịch sử rất lâu đời. Trong suốt thời kỳ "tiền Hội An", nơi đây từng tồn tại hai nền văn hóa lớn, đó là văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. 
Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía đông nam. Hội An là một trong những đô thị cổ, đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia... đã biết đến từ thế kỷ XVI - XVII. Hồi đó thương cảng Hội An thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á. 
 
Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An
Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An 
 
Trong thời thịnh đạt, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ XVII, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông nam Á. Tầu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, các nước vùng biển Đông Nam Á như Thái Lan Philippin, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… và một số nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… hàng năm cập bến mở hội chợ từ 4 đến 6 tháng liền. Nhiều kiều dân nước ngoài, nhất là người Hoa, người Nhật đã được chúa Nguyễn cho phép ở lại lập phố, mở cửa hàng buôn bán, được sống theo phong tục riêng. Thế kỷ XVII, Hội An có phố Nhật, phố Khách, có thương điếm Hà Lan… và đó là một trung tâm giao lưu kinh tế rộng lớn, một Đô thị - Thương cảng có tầm cỡ quốc tế. 
 
Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An
Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An 
 
Sang thế kỷ XIX, do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, do cả những biến đổi của địa hình sông nước, hoạt động kinh tế và vai trò của Hội An suy giảm dần kết thúc thời kỳ thương cảng thuyền buồm và nhường chỗ cho thương cảng thuyền máy Đà Nẵng phát triển (từ cuối thế kỷ XIX). 
Nhưng cũng nhờ đó, Hội An được bảo tồn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay với tư cách một khu phố - Thương cảng cổ ở đó có di tích của các bến cảng, các phố cổ, các nhà ở kết hợp cửa hàng của nhân dân, các hệ thống nhà thờ tộc họ, các đình chùa, đền miếu, các hội quán của người Hoa, những ngôi mộ của người Nhật, người Hoa và chiếc cầu mang tên cầu Nhật Bản… Những loại hình kiến trúc phong phú đa dạng đó, cùng với lối sống, phong tục tập quán, lễ hội... của cộng đồng dân cư Hội An còn như tấm gương phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hóa, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng Hội An vừa mang tính dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hoà giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. 
Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ... và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. 
Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ được nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể với các lễ hội văn hóa đang được bảo tồn và phát huy cùng các làng nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. 
Tên gọi Hội An ngày nay được hình thành từ rất lâu trong lịch sử, nhưng thật khó có thể xác định chính xác thời điểm ra đời của nó. Theo tác giả Dương Văn An trong cuốn sách Ô Châu cận lục, vào năm 1553, huyện Điện Bàn có 66 xã, trong đó có các xã Hoài Phô, Cẩm Phô, Lai Nghi, nhưng chưa thấy cái tên Hội An được ghi lại. Dưới thời Lê, tấm bản đồ do đại thần Đỗ Bá vẽ in trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ có ghi lần đầu tiên các địa danh Hội An phố, Hội An đàm, Hội An kiều. Trên tấm bia Phổ Đà Linh Sơn Trung Phật tại động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn ghi tên những người góp tiền xây dựng chùa, tên làng Hội An được nhắc tới ba lần. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan, làng Minh Hương được thành lập bên cạnh làng Hội An đã có trước đó. Căn cứ vào văn bản của dinh trấn Quảng Nam thời Minh Mạng gửi trưởng bang Hoa kiều, Hội An phố gồm 6 làng: Hội An, Minh Hương, Cổ Trai, Đông An, Diêm Hộ, Hoa Phô. Nhà nghiên cứu người Pháp Albert Sallet cho rằng làng Hội An là làng quan trọng nhất trong năm làng tạo nên quần cư Hội An cổ, gồm Hội An, Cẩm Phô, Phong Niên, Minh Hương và An Thọ. 
 
Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An
Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An 
 
Người phương Tây xưa kia gọi Hội An bằng cái tên Faifo. Xuất xứ của cái tên này ngày nay vẫn tồn tại nhiều giả thuyết. Trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes in tại Roma năm 1651, chữ Hoài phô được định nghĩa: một làng trong xứ Cochinchine mà người Nhật ở và gọi là Faifo. Một giả thuyết phổ biến cho rằng Faifo xuất phát từ tên Hội An phố, cái tên sử sách và địa chí Trung, Việt đều nhắc tới. Theo một thuyết khác, sông Thu Bồn trước kia có tên là sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, sau Hoài Phố biến thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo. Trong những thư từ, ghi chép của những giáo sĩ, học giả phương Tây, những cái tên Faifo, Faifoo, Fayfoo, Faiso, Facfo... từng xuất hiện nhiều lần. Alexandre de Rhodes trong bản đồ An Nam gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài ấn hành năm 1651 có ghi rõ tên Haifo. Về sau, trên bản đồ chính thức của chính quyền Đông Dương, người Pháp đều sử dụng tên Faifo để chỉ Hội An. 
Tại Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marrakesh (Morocco), ngày 1/12/1999 đã công nhận Khu Phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (II): là một sự biểu thị vật chất nổi bật của sự hòa trộn của các nền văn hóa vượt thời gian tại một thương cảng quốc tế, và tiêu chí (V): là một điển hình nổi bật về bảo tồn một thương cảng châu Á cổ truyền. 
 
4.85 sao của 1041 đánh giá
Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An
Lịch Sử Địa Danh Phố Cổ Hội An
TRUNG TÂM SÁCH PHÁP LUẬT VIỆT NAM Tư vấn miễn phí 1146/9 Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp